Cơ điện tử ( Mechatronics) ra đời như là kết quả tất yếu của sự phát triển công nghệ hiện đại. Cơ điện tử hình thành trên một nền công nghệ cao, thông minh, linh hoạt. Những xu hướng mới đang tạo ra ra cơ hội và thách thức cho cơ điện tử như hệ cơ sinh học tích hợp, máy tính lượng tử, hệ thống pico và nano, và những công nghệ khác đang triển khai. Tương lai của cơ điện tử đầy tiềm năng .
Cơ điện tử được hiểu là một công nghệ mới đang phát triển và mở rộng với tốc độ nhanh, nên khó có thể có ngay được một định nghĩa chính xác.Một định nghĩa quá cứng bây giờ có thể gây nhiều hạn chế, thiếu chính xác trong tương lai. Ta đã thấy điều này qua ba thập kỷ phát triển của Cơ điện tử.
Tuy vậy một nét chung nhất được thừa nhận và cũng là bản chất của Cơ điện tử là sự “liên kết cộng năng của nhiều lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội”. Sự liên kết cộng năng này mang lại nhiều cơ hội và không ít thách thức cho sự phát triển của chính cơ điện tử. Hay có thể hiểu một cách giản đơn: Cơ điện tử về cơ bản là sự kết hợp phức hợp của các ngành cơ khí, điện tử, và tin học. Sản phẩm cơ điện tử có những đặc trưng riêng và ưu thế so với các hệ thống công nghệ độc lập khác.
Sản phẩm Cơ điện tử là các sản phẩm cho người sử dụng cuối cùng như các đồ dùng, thiết bị gia dụng được chế tạo hàng loạt, hoặc các sản phẩm chất lượng cao như điện thoại thông minh, ôtô, máy bay, tên lửa, tàu vũ trụ, thiết bị y tế, các bộ phận cơ thể nhân tạo thay thế cho con người vv… Các sản phẩm này được thiết kế và chế tạo một cách tiện ích nhất, phù hợp với các yêu cầu riêng cho người sử dụng và người sử dụng không quan tâm đến các công nghệ được dùng trong nó mà họ mua và dùng các sản phẩm này vì nó tốt hơn, kinh tế hơn, tiện dụng hơn phù hợp với những yêu cầu riêng của mình.
Cho đến bây giờ còn nhiều bàn cãi về định nghĩa và nhiều quan điểm khác nhau về cơ điện tử có phải là một công nghệ mới không hay đơn thuần là sự kết hợp thông thường của các công nghệ đã biết. Có quan điểm cho cơ điện tử không phải là một ngành khoa học mà chỉ đơn thuần là một công nghệ không có nền tảng khoa học cơ bản như cơ học, điều khiển học vv..
Trước tiên theo suy nghĩ của tác giả đến thời điểm này thì cơ điện tử có thể được định nghĩa như sau:
“Cơ điện tử là một lĩnh vực khoa học và công nghệ được hình thành từ sự cộng năng của nhiều ngành khoa học công nghệ nhằm hoàn thiện, thông minh hoá tạo nên linh hồn và cảm xúc cho các sản phẩm và công cụ phục vụ cho con người”.
Nguồn tham khảo:
CƠ ĐIỆN TỬ – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU CỦA VIỆT NAM - PGS. TSKH Phạm Thượng Cát